Nội dung chính
1. Đánh răng ngay sau khi ăn
Ngay từ nhỏ, chúng ta đều đã được dạy phải đánh răng ngay sau khi ăn để đề phòng sâu răng cũng như các bệnh về răng miệng. Đây có vẻ là thói quen tốt để giữ răng khỏe mạnh, nhưng thực tế không phải vậy. Ngày nay, khoa học đã chứng minh, đánh răng ngay sau khi ăn là một trong những sai lầm khiến hàm răng bị tổn hại.
Theo các chuyên gia về răng miệng, chúng ta không nên đánh răng ngay sau khi ăn hoặc uống xong bởi đó là thời điểm răng chúng ta dễ bị hỏng nhất. Axit có trong thực phẩm và đồ uống sẽ làm mềm men răng. Nếu đánh răng vào lúc này, răng chúng ta dễ bị tổn thương và tăng nguy cơ làm mòn răng của bạn.
Ngoài ra, trong lúc ăn, khoang miệng sẽ tiết ra nước bọt để tiêu hóa thức ăn. Nước bọt có tác dụng cuốn trôi những thực phẩm còn dư thừa trong răng miệng, giúp cho khoang miệng thông thoáng, sạch sẽ.
Nếu không có nước bọt, thức ăn dư thừa khó tiêu hóa hết, từ đó sẽ tạo ra nhiều mảng bám, gây hôi miệng, tạo môi trường cho sâu răng phát triển.
Do đó, nếu đánh răng ngay sau khi ăn sẽ vô tình làm mất đi lượng nước bọt có lợi đó làm nguy cơ sâu răng tăng lên.
Vì vậy, hãy chờ ít nhất 1 tiếng sau khi dùng xong bữa rồi mới đánh răng để nước bọt có thời gian trung hòa axit.
2. Đánh răng quá nhiều
Đánh răng 2 lần một ngày (vào buổi sáng và buổi tối) là đủ. Nhiều người đánh nhiều hơn số lần được khuyên mỗi ngày – đặc biệt là sau một bữa ăn lớn.
Nhiều người cho rằng, đánh răng nhiều sẽ hạn chế tối đa việc vi khuẩn sinh sôi trong miệng. Tuy nhiên, đánh răng quá nhiều lần trong ngày có thể dẫn đến tình trạng răng bị xước, mòn chân, ê buốt.
3. Làm ướt bàn chải trước khi đánh răng
Thói quen nhúng bàn chải vào nước hầu như ai cũng mắc phải. Khi bạn nhúng bàn chải vào nước, các chất trong kem đánh răng sẽ trở nên loãng hơn khi đánh và tác dụng của nó giảm hẳn. Vì vậy, hãy nhớ giữ bàn chải khô trước khi đánh răng, cần lưu ý, bạn cũng không nên súc miệng quá kỹ sau khi đánh răng.
4. Đánh răng quá mạnh
Dường như đa số chúng ta chỉ nghĩ rằng, đánh răng mạnh sẽ tống khứ hết vi khuẩn trên răng nhưng lại không biết được rằng làm như vậy men răng hay nướu của chúng ta sẽ bị tổn thương và còn có nguy cơ bị tụt nướu.
5. Sử dụng bàn chải lông cứng
Suy nghĩ cho rằng: bàn chải đánh răng cứng thì chắc chắn hơn và tốt hơn là quan niệm sai lầm. Men để bảo vệ chân răng dễ bị phá vỡ hơn lớp men bình thường. Một bàn chải với lông quá cứng có thể làm đau lợi và dẫn đến tình trạng răng nhạy cảm.
Đặc biệt với người già, nướu răng bị sụt và chân răng bị lộ ra thường tăng độ nhạy cảm nên càng cần sử dụng những loại bàn chải có lông mềm.
6. Xỉa răng
Việc để sẵn một chiếc tăm trên mâm cơm mỗi khi ăn xong là thói quen khó bỏ của nhiều người Việt. Xỉa răng thường xuyên làm tiêu xương vùng kẽ răng, khiến khoảng cách răng bị rộng, thức ăn dễ bám lại và tiếp tục phải dùng tăm.
Lâu ngày, hành động này khiến răng thưa, thậm chí còn dễ lung lay, nha chu yếu. Kẽ răng thưa còn tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như sâu, viêm quanh chân răng, viêm nướu, hôi miệng.
Nha sĩ khuyên dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn bởi nó giúp loại bỏ thức ăn bám giữa các răng, ngăn ngừa vi khuẩn hình thành mà không làm tổn hại đến răng của bạn.
7. Nhai đá
Hãy tưởng tượng, men răng là một viên pha lê và nước đá cũng là một viên pha lê. Khi bạn đập hai viên pha lê vào với nhau, sẽ có một viên bị vỡ. Khi ta nhai nước đá cũng vậy.
Đa số lần thì viên đá sẽ bị vỡ, tuy nhiên sẽ có lúc thay vào đó là men răng hoặc một miếng trám của răng sẽ bị vỡ. Vì vậy hãy hạn chế nhai nước đá khi có thể.
Tính giòn và nhiệt độ lạnh của viên đá thực sự có thể làm răng bị gãy. Chúng có thể gây ra các vết nứt nhỏ trong bề mặt của men răng, và theo thời gian có thể dẫn đến vấn đề tổn thương lớn cho cho răng.
Hãy sử dụng đá bào hoặc uống nước giải khát đã được làm mát sẵn thay vì uống chung với đá. Đồng thời tập thói quen sử dụng ống hút để không còn bị thu hút bởi những viên đá nữa.
8. Ăn nhiều loại thực phẩm có tính axit
Thực phẩm có tính axit sẽ làm hao mòn lớp bảo vệ bên ngoài răng và nó sẽ không bao giờ tái tạo được. Khi mất lớp bảo vệ răng, bạn sẽ luôn cảm thấy răng ê buốt khi ăn đồ nóng và lạnh.
Một số thực phẩm có tính axit có thể ăn mòn men răng nếu dùng thường xuyên là soda, nước cam, rượu vang, nước uống tăng lực… Các nha sĩ cũng khuyên rằng khi uống đồ uống có tính axit, để hạn chế tối đa axit tiếp xúc với răng, bạn nên sử dụng ống hút.
Ngay cả với hoa quả, chúng có lượng axit và lượng đường rất cao nên cực kì có hại cho răng. Vi khuẩn trong miệng sống nhờ đường và chúng thải ra axit gây ra bào mòn.
Hãy ăn hoa quả theo từng thời điểm nhất định để giảm thiểu tác dụng phụ không mong muốn. Uống nước và ăn các loại thực phẩm có tính trung hòa như phô mai cũng là một cách để giảm bớt ảnh hưởng xấu của hoa quả đối với răng.
9. Sử dụng răng như một công cụ
Đôi khi, chúng ta dùng răng để làm những việc nhỏ như giật mác giá quần áo, mở gói bim bim, mở nắp lọ sơn móng tay hay rút chốt chỉnh giờ đồng hồ,… những thói quen này gây tổn thương trầm trọng cho răng.
Răng được sinh ra là để ăn nhai chứ không phải để làm vật thay thế khi bạn không rảnh tay. Khi dùng răng vào những mục đích khác, bạn đang tự đưa mình vào nguy hiểm.
Chúng ta có thể bị nứt răng, chấn thương xương hàm hoặc thậm chí là có thể vô tình nuốt phải những vật dụng đó.