Ăn thực phẩm có mùi, chăm sóc răng miệng kém, uống cà phê hoặc mang bệnh sẽ khiến hơi thở của bạn trở nên hôi, ảnh hưởng đến sự tự tin khi giao tiếp.
Bất cứ ai trên thế giới đều có thể đã gặp tình trạng hôi miệng. Nhiều người trong số ấy mắc chứng hôi miệng mãn tính. Hôi miệng không phải là tình trạng sức khỏe nguy hiểm nhưng lại là điều không ai muốn có. Nó không chỉ khiến bạn mất tự tin trong giao tiếp mà còn gây khó chịu cho những người xung quanh.
Theo CNN, may mắn thay, hôi miệng có thể khắc phục khi chúng ta xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó.
Nội dung chính
1. Hút thuốc lá
Mùi thuốc lá sẽ bám vào quần áo và đồ đạc, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến hơi thở. Ngoài ra, thuốc lá còn khiến răng bị ố vàng, dễ bị đau nướu.
Giải pháp đơn giản là hãy bỏ thuốc lá.
2. Chăm sóc răng miệng kém
Chăm sóc răng miệng kém là nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng. Khi thức ăn bị mắc kẹt giữa những kẽ răng mà không được làm sạch, vi khuẩn sẽ phát triển và tạo nên mùi hôi, thậm chí giống như trứng thối hoặc tệ hơn nữa.
Có thể khắc phục tình trạng này bằng cách sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Đừng quên làm sạch lưỡi.
Nước súc miệng và kẹo cao su chỉ tạm thời che đi mùi hôi thối, vì không làm giảm vi khuẩn trong kẽ răng.
3. Bạn ăn hoặc uống thứ gì đó có mùi
Cà phê, tỏi, cá, trứng, hành, thực phẩm cay…là những thực phẩm có thể dễ dàng gây hôi miệng. Những thực phẩm này khi vào dạ dày sẽ giải phóng sulfua qua hơi thở. Mùi của sulfua không hề dễ ngửi.
Một viên kẹo cao su có thể tạm thời che đi mùi hôi, nhưng các bác sĩ nha khoa cảnh báo rằng mùi từ thực phẩm như tỏi, cà phê có thể lưu lại trong máu của bạn tới 72 giờ sau.
Bạn nên thử dùng chanh, rau mùi tây và các loại trái cây, rau quả giòn như táo hoặc cà rốt để kích thích sản xuất nước bọt. Hoặc có thể uống nhiều nước hơn sau khi ăn những thực phẩm có mùi.
4. Bạn ăn nhiều đồ ngọt
Trước khi bạn ăn kẹo, bánh ngọt hãy cân nhắc dừng lại. Bởi đường chính là siêu thực phẩm cho vi khuẩn phát triển trong kẽ răng.
Các nha sĩ cho biết kẹo dẻo và caramen dễ dẫn đến tình trạng hôi miệng nhất và nếu bạn muốn ăn đồ ngọt, hãy chọn sô-cô-la. Chúng có ít đường hơn nhiều loại kẹo khác và tan nhanh hơn trong miệng.
5. Bạn đang theo chế độ ăn kiêng low-carb
Ăn nhiều đạm và giảm tinh bột buộc cơ thể phải đốt cháy các tế bào mỡ để lấy năng lượng. Quá trình này tạo ra những hoạt chất có tên ketone. Cơ thể sẽ bài tiết ketone qua nước tiểu và hơi thở. Đó là một mùi không hề dễ chịu, nhiều người so sánh nó với trái cây thối.
Hãy thử uống thêm nước để xả ketone ra khỏi cơ thể hoặc sử dụng kẹo bạc hà, kẹo cao su không đường để giảm tình trạng này.
6. Ngủ thở bằng miệng
Vào ban đêm, việc sản xuất nước bọt bị giảm, đó là lý do tại sao chúng ta thức dậy với mùi hôi miệng, ngay cả sau khi đã đánh răng và dùng chỉ nha khoa.
Việc thở bằng miệng hoặc ngáy khi ngủ càng làm khô miệng, khiến hơi thở hôi hơn. Khô miệng còn khiến họng đau, khàn giọng và đau khi nuốt.
Giải pháp là tìm cách thở bằng mũi, uống nhiều nước, giữ vệ sinh răng miệng cả sáng và tối.
7. Bạn đang trong giai đoạn dùng thuốc
Một số loại thuốc dùng điều trị chứng lo âu, trầm cảm, huyết áp cao, giảm đau và căng cơ có thể làm khô miệng, góp phần khiến hơi thở bốc mùi.
Hãy kiểm tra danh sách các tác dụng phụ của thuốc để xem có gây khô miệng không và đề nghị bác sĩ chuyển sang loại khác.
8. Gặp tình trạng về mũi: nghẹt mũi, viêm xoang hoặc dị ứng
Khi mũi bị nghẹt, bạn sẽ phải thở bằng miệng. Điều này làm khô miệng và giảm lưu lượng nước bọt.
Nếu bạn bị dị ứng và dùng thuốc, một phần của thuốc nhỏ mũi sẽ chảy thông xuống miệng, mắc kẹt lại ở lưỡi cũng có thể dẫn đến hôi miệng.
9. Sử dụng đồ uống có cồn
Rượu, bia, cocktail, rượu vang và nhiều thức uống chứa cồn khác cũng tạo nên hơi thở hôi. Bạn nên tránh uống đồ uống chứa cồn hoặc nhau kẹo cao su không đường, uống nhiều nước sau khi uống rượu bia.
10. Sức khỏe có vấn đề
Ợ nóng, trào ngược dạ dày cũng là nguyên nhân gây hôi miệng.
Hơi thở hôi cũng có thể là một trong những dấu hiệu của bệnh tiểu đường, nhiễm trùng đường hô hấp, amiđan hoặc một căn bệnh tiềm ẩn mà không có triệu chứng bên ngoài.
Hơi thở của người bị đái tháo đường có mùi trái cây thối. Người bị suy thận có mùi hôi như amoniac; người bị bệnh về gan sẽ có mùi hơi thở giống như thực phẩm bị mốc.